Mở Đầu
Kanban và scrum đều đã mang đến thành công cho nhiều dự án, nhưng không thể tuỳ tiện sử dụng cho nhau. Đã từng có không ít dự án thất bại khi áp dụng sai phương pháp quản lý.
Vậy nên việc so sánh kanban với scrum để tìm phương pháp phù hợp với dự án mình đang đảm nhận là cần thiết. Nếu bạn không muốn lặp lại bánh xe cũ, hãy cùng StringeeX tìm hiểu sâu hơn:
Kanban là gì?
Nguồn: Internet
Đây là phương pháp giúp bạn quản lý dự án một cách trực quan vì mọi thứ được thể hiện rõ ràng trên một tấm bảng. Bạn có thể dễ dàng nhận thấy giai đoạn nào của dự án đang bị tắc nghẽn để khắc phục kịp thời.
Nó được chia thành nhiều cột tương đương với các giai đoạn thực hiện dự án: Đang Chờ, Đang Làm, và Xong. Trong mỗi cột lại có một hoặc vài tấm thẻ biểu hiện cho từng nhiệm vụ cụ thể. Sau khi hoàn thành, những tấm thẻ này sẽ được di chuyển sang cột tiếp theo, cho đến “Xong”.
Đặc điểm của kanban là chia nhỏ công việc, tập trung vào một nhiệm vụ ở một thời điểm, giới hạn đa nhiệm nên năng xuất được nâng cao.
Scrum là gì?
Phương pháp scrum giúp phát triển sản phẩm thông qua các vòng lặp ngắn gọi là sprint, chia công việc thành những phần nhỏ hơn cho dễ quản lý, phù hợp với các dự án phức tạp. Nó đòi hỏi người thực hiện dự án liên tục đánh giá, điều chỉnh để mang lại hiệu quả tốt nhất trong thời gian ngắn nhất.
Scrum bao gồm rất nhiều hoạt động:
Sprint planning (lên kế hoạch)
Product Owner tổ chức họp, thông báo các yêu cầu và mục tiêu của khách hàng. Từ đó, quyết định các nhiệm vụ và hoạt động cụ thể để phát triển sản phẩm trong một Sprint (1-4 tuần).
Sprint execution (thực hiện sprint)
Trong quá trình thực hiện sprint, Scrum Master phải quản lý, giám sát nhóm phát triển, đảm bảo họ tuân thủ các quy tắc Scrum. Master cũng cần hỗ trợ nhóm giải quyết vấn đề phát sinh trong suốt giai đoạn này.
Daily scrum (họp hằng ngày)
Tổ chức họp hằng ngày để cập nhật tiến độ. Nếu có bất cứ vấn đề nào, nhóm bạn có thể nhanh chóng giải quyết, đạt được mục tiêu sprint.
Sprint review (đánh giá sprint)
Sau khi sprint kết thúc, nhóm phát triển tổ chức họp với khách hàng để giới thiệu sản phẩm đã hoàn thành.
Retrospective sprint (cải tiến)
Sau đánh giá Sprint, nhóm phát triển cần xem lại kết quả dự án để rút kinh nghiệm cho các dự án sprint tiếp theo.
Sự giống nhau giữa kanban và scrum
Cả kanban và scrum đều có các điểm tương đồng như sau:
- Chia các đầu việc lớn thành nhiều nhiệm vụ nhỏ để dễ thực hiện và quản lý.
- Giới hạn đa nhiệm để ngăn ngừa quá tải.
- Sản phẩm tăng trưởng liên tục qua các giai đoạn phát triển.
- Liên tục tương tác với khách hàng để điều chỉnh, thay đổi và phát triển sản phẩm theo phản hồi, đánh giá của họ.
Sự khác nhau giữa kanban và scrum
Điểm khác biệt | Kanban | Scrum |
Điều chỉnh | Cho phép thay đổi thường xuyên, bất cứ khi nào có nhu cầu | Chú trọng vào kế hoạch nên chỉ điều chỉnh khi tạo sprint mới |
Thời gian thực hiện dự án | Không có thời hạn cụ thể | Phải thực hiện xong trong chu kỳ phát triển (sprint) |
Phù hợp với | Dự án quy mô nhỏ, mọi thứ rõ ràng ngay từ đầu | Dự án lớn có yêu cầu phức tạp hơn |
Phạm vi công việc | Có thể thay đổi ở bất kỳ giai đoạn nào | Không thể thay đổi cho đến khi sprint được hoàn thành |
Lịch trình công việc | Không có lịch trình cụ thể | Mỗi sprint đều có lịch trình cụ thể |
Họp | Không bắt buộc phải tổ chức họp định kỳ | Có rất nhiều cuộc họp định kỳ diễn ra thường xuyên trong suốt sprint: sprint planning, daily scrum, sprint review, và sprint retrospective |
Sản phẩm đầu ra | Sản phẩm được phát hành khi tất cả nhiệm vụ trên bảng được hoàn thành | Sản phẩm phải được hoàn thành trong chu kỳ sprint |
Vai trò | Không có vai trò cụ thể | Có 3 nhóm vai trò quan trọng cụ thể: Scrum Master, Product Owner, và Development Team |
Phương pháp nào phù hợp với bạn hơn?
Để xác định phương pháp nào phù hợp hơn, bạn cần xem xét dựa trên các tính chất, đặc điểm của dự án.
Tính linh hoạt
Nếu dự án của bạn có nhiều biến động, cần thay đổi thường xuyên, hãy chọn kanban. Phương pháp này rất linh hoạt, cho phép bạn thay đổi sự ưu tiên và phạm vi công việc bất cứ lúc nào. Trong khi đó, scrum cung cấp kế hoạch chi tiết và mục tiêu ngay từ đầu, nên bạn không thể hoặc khó thay đổi phạm vi và ưu tiên công việc.
Quy mô dự án
Kanban có thể thay đổi liên tục nên nó thích hợp với các dự án quy mô nhỏ hơn. Đối với các dự án lớn nhiều nhiệm vụ phức tạp, nếu không được cập nhật kịp thời, người trong nhóm phát triển có thể làm việc với thông tin sai.
Scrum có thể khắc phục điểm yếu này của kanban để thực hiện các dự án lớn phức tạp vì nó được định hướng và lên kế hoạch cụ thể ngay từ đầu.
Vai trò trong nhóm phát triển
Scrum thích hợp với dự án có đội ngũ lãnh đạo với khả năng giao tiếp để làm việc nhóm tốt vì yêu cầu về vai trò, trách nhiệm với nhóm phát triển, đặc biệt là scrum master và product owner.
Trong khi nhiều người cảm thấy cả kanban và scrum đều chia nhỏ nhiệm vụ, tránh làm nhiều việc cùng lúc, gây xao nhãng, và phát triển sản phẩm qua từng giai đoạn nên áp dụng cách nào cũng được. Điều này dễ gây nên những sai lầm không cần thiết, khiến dự án thất bại.
Trên thực tế, rất nhiều khía cạnh của chúng khác nhau từ khả năng cho phép điều chỉnh, thời gian thực hiện dự án, phạm vi, lịch trình công việc, tần suất tổ chức cuộc họp, đến thời gian công bố sản phẩm đầu ra và vai trò của nhóm phát triển.
Tạm Kết
So sánh kanban với scrum dựa trên những khía cạnh khác nhau này để bạn chọn một phương pháp quản lý phù hợp nhất với dự án đang tiến hành. Từ đó mới có thể tận dụng tối đa ưu điểm của từng phương pháp.