Chiến lược marketing quốc tế đóng vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp muốn nhắm tới thị trường nước ngoài. Vậy chiến lược này là gì và có đặc điểm ra sao? Trong bài viết sau, bạn hãy cùng StringeeX tìm hiểu về chiến lược marketing này nhé!

1. Chiến lược marketing quốc tế là gì?

Khái niệm về chiến lược marketing quốc tế?

Chiến lược marketing quốc tế là tổng hợp các quyết định marketing của doanh nghiệp trong một thời gian và không gian nhất định để sử dụng tối ưu nhất các nguồn lực, nhằm đạt được mục tiêu đề ra trên thị trường quốc tế.

Chiến lược marketing cho thị trường quốc tế không chỉ đơn thuần là việc mở rộng quy mô kinh doanh của doanh nghiệp sang các thị trường khác; mà còn bao gồm việc tùy chỉnh sản phẩm, giá cả, phân phối, hoạt động xúc tiến sao cho phù hợp với sự đa dạng văn hóa của các thị trường khác nhau.

2. Có những loại chiến lược marketing quốc tế nào?

Chiến lược marketing toàn cầu và chiến lược marketing địa phương hóa

Có hai loại chiến lược marketing quốc tế được sử dụng phổ biến là: Chiến lược marketing toàn cầu và chiến lược marketing địa phương hóa. Mỗi loại chiến lược này đều có ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Vì vậy, doanh nghiệp có thể linh hoạt lựa chọn chiến lược marketing sao cho phù hợp nhất với mình.

Chiến lược marketing toàn cầu là gì?

Những doanh nghiệp áp dụng chiến lược marketing toàn cầu thường sử dụng chung một chiến lược marketing cho toàn bộ thị trường họ tham gia mà không có sự khác biệt nào. Chiến lược này được áp dụng khi văn hóa tiêu dùng hay nhu cầu của khách hàng tại mỗi thị trường không có sự khác biệt quá lớn.

 

Chiến lược marketing toàn cầu giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành. Việc phân chia hoạt động marketing tại các thị trường không rõ ràng cũng giúp doanh nghiệp giảm đi sự phức tạp trong việc quản lý. Tuy nhiên, chiến lược này có nhược điểm là: Không thể thỏa mãn được tất cả người tiêu dùng do sự khác biệt về văn hóa, thói quen. Đồng thời, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp so với doanh nghiệp địa phương cũng giảm sút (Do doanh nghiệp địa phương thường hiểu rõ thói quen, nhu cầu của người tiêu dùng bản địa hơn).

Chiến lược marketing địa phương hóa là gì?

Ngược lại với chiến lược marketing toàn cầu là chiến lược marketing địa phương hóa. Nếu doanh nghiệp áp dụng chiến lược này thì sẽ phát triển riêng chiến lược marketing cho từng thị trường mục tiêu, dựa theo sự khác biệt về văn hóa hay nhu cầu của người tiêu dùng.

Chiến lược marketing địa phương hóa có ưu điểm là giúp doanh nghiệp đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng tại thị trường địa phương. Không những vậy, nó còn giúp doanh nghiệp gia tăng năng lực cạnh tranh so với đối thủ (là các doanh nghiệp địa phương hoặc doanh nghiệp đa quốc gia khác).

Tuy nhiên, việc áp dụng chiến lược marketing địa phương hóa có thể làm tăng chi phí marketing, và khiến việc quản lý hoạt động marketing tại mỗi thị trường trở nên phức tạp hơn.

3. Phân tích chiến lược marketing quốc tế của hãng nổi tiếng

Chúng ta hãy cùng phân tích một vài chiến lược marketing của các thương hiệu nổi tiếng như: Coca Cola, McDonald’s qua phần dưới đây:

Chiến lược marketing quốc tế của Coca Cola

Coca Cola đã áp dụng chiến lược marketing toàn cầu rất thành công

Chiến lược marketing quốc tế của Coca Cola là một trong những mô hình thành công khi áp dụng chiến lược marketing toàn cầu. 

Đồng nhất thương hiệu trên toàn cầu

Coca Cola sở hữu khá nhiều thương hiệu khác nhau trong lĩnh vực nước giải khát. Tuy nhiên, sản phẩm phổ biến và nổi bật nhất của hãng vẫn là Coke với màu đỏ rực dễ nhận biết. Điều này thể hiện rằng, Coca Cola đã tập trung xây dựng thương hiệu dễ nhận biết và có tính nhất quán cao.

Ngoài ra, các yếu tố như logo, khẩu hiệu, hình ảnh của Coca Cola đều được đồng nhất trên mọi thị trường. Điều này giúp tạo ra sự liên kết tâm lý tích cực trong tâm trí người dùng.

Chiến dịch marketing đa dạng, tương thích với văn hóa

Các chiến dịch marketing của Coca Cola đều nhấn mạnh tới sự đa dạng và tương thích văn hóa ở mỗi quốc gia. Những chiến dịch này đều hướng tới tăng cường sự tương thích với văn hóa và ý thức địa phương (Không chỉ bao gồm thông điệp quảng cáo, mà còn gồm sự thay đổi về bao bì, hương vị sản phẩm).

Nhìn chung, các quảng cáo của hãng đều có thể chạm tới cảm xúc của khán giả ở nhiều độ tuổi khác nhau thuộc nhiều văn hóa khác nhau.

Tài trợ cho các chương trình quy mô toàn cầu

Coca Cola khá tích cực trong việc tài trợ cho các chương trình có quy mô, tầm cỡ toàn cầu như World Cup hay Olympic - Đây vốn là những chương trình thu hút rất nhiều khán giả trên khắp thế giới. Nhờ đó mà thương hiệu của Coca Cola được hiện diện nhiều hơn và gây ấn tượng mạnh hơn trong tâm trí khách hàng. 

Phản hồi và sẵn sàng đổi mới liên tục

Coca Cola khá quan tâm tới hoạt động chăm sóc khách hàng cũng như lắng nghe các ý kiến phản hồi từ khách hàng. Chính những ý kiến này là tín hiệu để hãng điều chỉnh chiến lược marketing của mình để phù hợp hơn với nhu cầu thị trường. 

Nhìn chung, chiến lược marketing của Coca Cola tập trung phần lớn vào chiến lược marketing toàn cầu nhưng vẫn cố gắng tạo ra sự tương thích với đặc điểm của từng thị trường địa phương. 

Chiến lược marketing quốc tế của McDonald’s

McDonald’s cho ra mắt menu đa dạng, phù hợp với từng thị trường

Khác với Coca Cola, McDonald’s lại tập trung sử dụng chiến lược marketing địa phương hóa để thích ứng tốt hơn với từng thị trường.

Chiến lược giá linh hoạt, phù hợp với từng thị trường

McDonald’s áp dụng các mức giá khác nhau cho từng thị trường riêng biệt. Hãng định giá dựa vào các yếu tố như: Chi phí thành phẩm, mức thu nhập bình quân, mức chi tiêu, tỷ giá hối đoái hay mức tiêu dùng,... ở từng địa phương. 

Ngoài ra, McDonald’s cũng phân hóa mức giá theo từng khu vực trong một quốc gia. Với các thành phố lớn, hãng chủ yếu tiếp cận tầng lớp trung lưu và thượng lưu, đồng thời đẩy mạnh các sản phẩm có giá thành cao.

Điều chỉnh sản phẩm để phù hợp với từng địa phương

Mục đích ban đầu của McDonald’s là hướng tới một thực đơn được tiêu chuẩn hóa, có hương vị, thành phần như nhau trên toàn cầu. Tuy nhiên, hãng đã nhận ra rằng, việc điều chỉnh mùi vị, thành phần chế biến ở từng địa phương sẽ tạo ra kết quả tốt hơn nhiều. 

Chưa hết, McDonald’s cũng tích cực ra mắt thêm những món ăn được “bản địa hóa”, phù hợp với từng địa phương. Ví dụ, ở Việt Nam, McDonald’s có món ăn kết hợp tinh hoa ẩm thực truyền thống Việt và bánh Burger, gọi là “Burger vị phở”. Sự kết hợp vừa lạ vừa quen này đã mang tới sự trải nghiệm mới cho khách hàng, góp phần nâng cao sự trung thành của người tiêu dùng với sản phẩm.

Hay tại Nhật Bản, McDonald’s cũng thực hiện mở rộng menu bằng các món ăn đậm vị Nhật Bản như gà Tatsutage, gà Teriyaki hay McBurger Teriyaki. Tại Ấn Độ, hãng cũng loại bỏ thành phần thịt bò ra khỏi những chiếc burger bởi người Ấn Độ thường thờ thần bò và không ăn thịt bò.

Thực hiện chiến dịch truyền thông gần gũi với địa phương

McDonald’s liên tục thực hiện những chiến dịch marketing, truyền thông dựa trên sự thấu hiểu về văn hóa và thói quen tiêu dùng ở từng địa phương.

Ví dụ, tại Việt Nam, McDonald’s đã thực hiện một số chiến lược quảng bá hình ảnh thông qua Zalo, đồng thời tài trợ cho CLB SaiGon Heat (Một CLB bóng rổ nổi tiếng) để tiếp cận gần gũi hơn với người tiêu dùng. Các ngày lễ đặc biệt như: Tết Trung thu, ngày hội gia đình, ngày hội đọc sách,... cũng được hãng quan tâm và lan tỏa những thông điệp ý nghĩa.

Tạm kết

Vậy là bạn vừa cùng với StringeeX tìm hiểu về khái niệm chiến lược marketing quốc tế và phân tích chiến lược này từ thương hiệu nổi tiếng như Coca Cola hay McDonald’s. Có thể thấy, tùy theo mục tiêu và đặc điểm của từng doanh nghiệp mà họ sẽ lựa chọn các chiến lược marketing khác nhau.